Hợp đồng thương mại 2024

1. Khái niệm hợp đồng thương mại

Trong Luật thương mại 2005 không có khái niệm các loại hợp đồng thương mại, nhưng dựa trên cơ sở khái niệm hợp đồng được quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 có thể hiểu Hợp đồng thương mại là sự thoả thuận giữa các thương nhân hoặc giữa thương nhân với người có quyền, nghĩa vụ liên quan việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong hoạt động thương mại của mình.

Theo Điều 3.1 Luật Thương Mại 2005, hoạt động thương mại được định nghĩa là “hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.

2.  Đặc điểm của hợp đồng thương mại

    • Về chủ thể của hợp đồng thương mại

Hợp đồng thương mại được kí kết giữa các bên là thương nhân, hoặc có một bên là thương nhân. Đây là một điểm đặc trưng của Hợp đồng thương mại so với các loại Hợp đồng dân sự.

Theo Khoản 1 Điều 6 Luật thương mại 2005 thì thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, chủ thể của hợp đồng thương mại còn có thể là các cá nhân, tổ chức khác có hoạt động liên quan đến thương mại (Điều 2 Luật thương mại 2005).

  • Về đối tượng của hợp đồng thương mại

Đối tượng của hợp đồng thương mại là hàng hóa hoặc việc cung ứng dịch vụ thương mại. Hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành bao gồm tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tƣơng lai và những vật gắn liền với đất đai; bất động sản không được coi là hàng hóa. Như vậy, đối tượng của hợp đồng thương mại hẹp hơn so với hợp đồng dân sự.

  • Về hình thức của hợp đồng thương mại

Hình thức hợp đồng thương mại được thiết lập theo cách thức mà hai bên thỏa thuận, có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết. Trong một số trường hợp nhất định, hợp đồng phải được thiết lập bằng văn bản như hợp đồng đại lý thương mại, hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ khuyến mại, quảng cáo, hội chợ, triển lãm thương mại…

Điều 24 Luật thương mại 2005 quy định: Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó. Luật thương mại 2005 cũng cho phép thay thế hình thức văn bản bằng  hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

  • Nội dung của hợp đồng thương mại

Pháp luật đề cao sự thỏa thuận giữa các bên giao kết, tuy nhiên nội dung của Hợp đồng phải tuân theo những quy định của pháp luật Hợp đồng nói chung, được quy định tại Bộ luật dân sự 2015.

Căn cứ vào điều 398 Bộ luật dân sự 2015 quy định, hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

  • – Đối tượng của hợp đồng;
  • – Số lượng, chất lượng;
  • – Giá, phương thức thanh toán;
  • – Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
  • – Quyền, nghĩa vụ của các bên;
  • – Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
  • – Phương thức giải quyết tranh chấp.

3. Kết cấu của văn bản hợp đồng thương mại:

Một hợp đồng thương mại đều gồm ba phần:phần mở đầu, phần nội dung và phần kết thúc.

3.1. Phần mở đầu:

Phần mở đầu là một phần của Hợp đồng. Tùy thuộc vào loại hợp đồng mà các bên soạn thảo hợp đồng cho phù hợp. Phần mở đầu có các nội dung sau:

– Quốc hiệu;

– Số và ký hiệu của hợp đồng;

– Tên hợp đồng;

– Những căn cứ xác lập hợp đồng;

– Địa điểm, thời điểm ký hợp đồng.
– Thông tin về các bên trong hợp đồng: mục này bao gồm các thôngtin cần thiết của các bên tham gia trong hợp đồng thương mại cụ thể là :

  • Tên chủ thể ký kết hợp đồng:Cần ghi đúng tên trong giấy phép thành lập hợp pháp của chủ thể, người đại diện theo pháp luật của chủ thể hoặc người đại diện theo ủy quyền.
  • Địa chỉ của chủ thể hợp đồng:Địa chỉ của chủ thể hợp đồng là địa chỉ trụ sở chính của pháp nhân. Ghi rõ số nhà, đường phố, xóm ấp, phường xã, quận, huyện, tỉnh, thành phố.
  • Điện thoại, telex, Fax:Trong nền kinh tế thị trường, việc thông tin nhanh chóng cũng là điều kiện giúp các bên kinh doanh thuận tiện. Việc ghi điện thoại, telex, Fax giúp các bên trao đổi thông tin nhanh chóng hơn, giảm bớt chi phí đi lại, trừ những trường hợp cần thiết.
  • Người đại diện ký kết hợp đồng:Đây là một trong những nội dung quan trọng của hợp đồng thương mại. Nó liên quan đến tính hiệu lực của hợp đồng bởi người này phải là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng thương mại. Pháp luật hiện hành quy định mỗi bên chỉ cần một đại diện hợp pháp ký kết hợp đồng. Đó có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Trong trường hợp người được ủy quyền ký kết hợp đồng thì phải ghi rõ thời gian ủy quyền, chức vụ của người ký giấy ủy quyền, số giấy ủy quyền.

3.2. Phần nội dung của hợp đồng

Nội dung của hợp đồng thương mại là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể hợp đồng. Thông thường có 3 điều khoản:

– Điều khoản thường lệ:

Là những điều khoản mà nội dung của nó đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Những nội dung này các bên có thể đưa vào hợp đồng nhằm khẳng định lại hoặc tăng tầm quan trọng của nó hoặc cụ thể hóa nhưng không được trái quy định của pháp luật.

Đối với điều khoản thường lệ, cần lưu ý quy định về phạt vi phạm hợp đồng vì theo quy định của pháp luật Dân sự và Thương mại, các bên chỉ có thể áp dụng phạt vi phạm hợp đồng khi trong hợp đồng có điều khoản thỏa thuận về vấn đề này.

– Điều khoản chủ yếu:

Là những điều khoản căn bản nhất của hợp đồng nên bắt buộc các bên phải thỏa thuận ghi vào văn bản của hợp đồng. Phần nội dung của hợp đồng bao gồm:

+ Đối tượng của hợp đồng;

+ Chất lượng, chủng loại, quy cách, tính đồng bộ của sản phẩm, hàng hóa hoặc yêu cầu kỹ thuật của công việc;

+ Giá cả; bảo hành; điều kiện nghiệm thu, giao nhận; phương thức thanh toán; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; chuyển nhượng hợp đồng; giải quyết tranh chấp; các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Các điều khoản khác liên quan trực tiếp đến đặc điểm từng loại hợp đồng kinh tế có thể là điều khoản chủ yếu của từng loại hợp đồng đó.

– Điều khoản tùy nghi:

Là những điều khoản do các bên tự thỏa thuận với nhau khi chưa có quy định của pháp luật hoặc đã có quy định của pháp luật nhưng các bên chưa được phép tận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh thực tế của các bên mà không trái với pháp luật.

3.3. Phần kết thúc

Ký kết hợp đồng:

  • Số lượng bản hợp đồng cần ký kết:Căn cứ vào nhu cầu của các bên ký kết hợp đồng mà thỏa thuận số lượng bản hợp đồng cho phù hợp. Điều quan trọng là các bản hợp đồng phải đảm bảo nội dung giống nhau và có giá trị pháp lý như nhau.
  • Chữ ký của các bên:Mỗi bên chỉ cần một người ký vào Hợp đồng, người đó là đại diện hợp pháp của các bên ghi trong phần “thông tin về chủ thể hợp đồng”.
  • Đóng dấu của các bên:Thông thường hợp đồng ký kết giữa các bên có dấu đóng lên trên chữ ký của đại diện ký kết hợp đồng. Dấu của đơn vị được đóng trùm lên phần chữ ký.

Phụ lục hợp đồng và các văn bản bổ sung hợp đồng

– Phụ lục hợp đồng:

Việc lập văn bản phụ lục hợp đồng được áp dụng trong trường hợp các bên chủ thể hợp đồng cần chi tiết và cụ thể hóa các điều khoản hợp đông mà trong hợp đồng không thể hoặc không nên ghi chi tiết, cụ thể trong hợp đồng.

Nguyên tắc chung là phụ lục hợp đồng được ký kết cùng thời điểm với hợp đồng và nội dung của phụ lục không được trái với hợp đồng.

– Văn bản điều chỉnh hợp đồng:

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận xác lập văn bản bổ sung những điều khoản của hợp đồng đã ký kết như: thay đổi, bổ sung nội dung các điều khoản của hợp đồng đang thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế của các bên.

Văn bản điều chỉnh hợp đồng là một bộ phận của hợp đồng và có giá trị pháp lý như hợp đồng.

4. Các lưu ý khi soạn thảo hợp đồng thương mại

  • Cần quy định chi tiết và rõ ràng đối tượng của hợp đồng thương mại:

Các bên sẽ nêu cụ thể thông tin có liên quan của hàng hóa gồm chủng loại hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm kỹ thuật, tình trạng hàng hóa (mới hay đã qua sử dụng), v.v..

Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng thương mại là việc thực hiện công việc hay cung ứng dịch vụ, các bên cần quy định rõ công việc/dịch vụ này là gì, những công việc/dịch vụ nào được xem là ngoài phạm vi và sẽ tính thêm phí, cách thức cung cấp ra sao, do ai thực hiện, thực hiện vào thời điểm nào, tại địa điểm nào, cách thức xác định mức độ hoàn thành công việc/dịch vụ, v.v..

Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng thương mại là hàng hóa, tùy thuộc hàng hóa mà các bên mua bán là hàng hóa đặc định (ví dụ như 01 tài sản cụ thể nào đó) hoặc cùng loại (chẳng hạn như hàng hóa sản xuất hàng loạt).

  • Cần quy định rõ số tiền phải thanh toán, thời hạn thanh toán, cách thức thanh toán và điều khoản thay đổi phương thức thanh toán

Thông thường đây là điều khoản mà các bên sẽ quy định tương đối rõ ràng và đầy đủ trong hợp đồng thương mại. Nhưng không nêu rõ đã bao gồm thuế, phí, chi phí phát sinh có liên quan hay chưa (như chi phí đi lại), quy định thanh toán chuyển khoản ngân hàng nhưng không nêu thông tin tài khoản, không quy định bên nào sẽ chịu phí ngân hàng, v.v.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều hợp đồng thương mại chỉ quy định số tiền phải thanh toán mà không đề cập đến thời hạn thanh toán, cách thức thanh toán cũng như điều khoản thay đổi phương thức thanh toán (nếu có), hoặc có quy định trong hợp đồng thương mại nhưng lại mơ hồ, không rõ ràng.Một số lỗi thường gặp có thể kể đến như: các bên quy định thanh toán trong vòng ‘x’ ngày nhưng không nêu rõ thời hạn này tính từ ngày nào (ví dụ từ ngày giao hàng hay từ ngày xuất hóa đơn), quy định giá bán/phí dịch vụ.

Đối với các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp nên lưu ý nhiều điều khoản khi ký hợp đồng thương mại. Thông thường các hợp đồng thương mại do đối tác nước ngoài soạn thảo rất dài và nhiều khi không rõ ràng vì cách diễn đạt khác với chúng ta. Vì vậy cần Việt hoá các bản hợp đồng thương mại này một cách ngắn gọn, đầy đủ và đúng nội dung.

Một số mẫu Hợp đồng thương mại phổ biến:

mau-hop-dong-dich-vu-tu-van-dang-ky-nhan-hieu-hang-hoa

HỢP ĐỒNG MÔI GIỚI THƯƠNG MẠI

hop-dong-nhuong-quyen-thuong-mai

HỢP ĐỒNG ĐẠI LÝ THƯƠNG MẠI

—————————————————

Nếu quý khách có yêu cầu cần hỗ trợ vui lòng liên hệ:

Văn phòng Luật sư Nguyên

  • Trụ sở: Tổ 1, Nguyễn Huệ, Kp 3, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
  • Chi nhánh: Số 41 Cách Mạng Tháng Tám, phường Xuân An, Tp. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
  • Điện thoại: 0937.67.69.69 – 0936392979
  • Email: luatsutrangiap@gmail.com

2 thoughts on “Hợp đồng thương mại 2024

  1. Harry Flores says:

    Heya i am for the first time here. I came across this
    board and I find It really helpful & it helped me
    out a lot. I’m hoping to give one thing again and aid others such as you helped me.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *