Quan hệ hôn nhân theo quy định pháp luật

hôn nhân và gia đình

Quan hệ hôn nhân theo quy định pháp luật

  1. Căn cứ khoản 1 và khoản 5 điều 3 luật Hôn nhân và gia đình

“Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. …”

Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

  1. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.”

Đăng ký kết hôn là thủ tục nhằm công nhận việc xác lập quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam nữ là hợp pháp, là cơ sở pháp lý để các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của vợ chồng.

 Thế nào là nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng?

Căn cứ điểm d mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, nam nữ được coi là sống chung với nhau như vợ chồng khi đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình và thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Có tổ chức lễ cưới;
  • Được gia đình chấp thuận;
  • Việc chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
  • Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau cùng xây dựng gia đình

Theo đó, thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

  1. Xác định quan hệ hôn nhân qua các mốc thời gian

Căn cứ theo thông tư liên tịch số 01/2001/TANDTC ngày 03 tháng 01 năm 2001, có thể căn cứ vào 3 mốc thời gian chính như sau:

3.1. Nam nữ sống chung như vợ chồng trước ngày 03/01/1987

Thời điểm này không bắt buộc phải đăng ký kết hôn mà chỉ khuyến khích đăng ký kết hôn. Như vậy, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 dù có đăng ký kết hôn hay không có đăng ký kết hôn thì quan hệ vợ chồng vẫn được pháp luật công nhận.

Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng như đã nêu ở mục 1. Trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn.

3.2. Nam nữ sống chung như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001

Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng ở thời điểm này đủ điều kiện kết hôn thì pháp luật quy định một thời hạn để họ đi đăng ký kết hôn. Thời hạn đăng ký chậm được quy định là 02 năm (từ ngày 01/01/2001 đến ngày 01/01/2003) để dành quyền cho họ hợp pháp hóa quan hệ vợ chồng, cụ thể:

  • Từ ngày 01/01/2001 đến 01/01/2003, nam nữ sống chung như vợ chồng đăng ký kết hôn đúng hạn sẽ được tính thời kỳ hôn nhân hợp pháp từ thời điểm xác lập quan hệ vợ chồng.
  • Kể từ sau ngày 01/01/2003 nam nữ sống chung như vợ chồng mới đăng ký kết hôn thì quan hệ vợ chồng của họ chỉ được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ đăng ký kết hôn. Tức là, họ đã tự từ bỏ khả năng công nhận thời kỳ hôn nhân hợp pháp của toàn bộ quá trình chung sống trước đó.
  • Kể từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì không được công nhận là vợ chồng.

3.3. Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng từ 01/01/2001

Đối với trường hợp nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 01/01/2001 trở đi mà không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, họ không được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp. Nếu họ đi đăng ký kết hôn thì thời kỳ hôn nhân hợp pháp chỉ được tính kể từ ngày họ đăng ký.

Hiện nay, quan hệ hôn nhân của nam nữ chỉ được pháp luật công nhận khi đáp ứng điều kiện về đăng ký kết hôn và bắt buộc phải thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền tuân theo quy định của Luật HN&GĐ 2014 về:

Điều kiện đăng ký kết hôn: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; do nam nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự; không thuộc trường hợp bị cấm kết hôn… theo Điều 8 Luật HN&GĐ.

– Thủ tục đăng ký kết hôn: Hai bên nam nữ muốn đăng ký kết hôn thì phải đáp ứng điều kiện nêu trên, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

  1. Xác định quan hệ hôn nhân trong trường hợp nhiều vợ nhiều chồng

4.1. Trường hợp kết hôn trước khi Luật hôn nhân gia đình năm 1959 có hiệu lực (trước ngày 13/01/1960)

Những trường hợp kết hôn từ ngày 13/01/1960 mà vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng thì được coi là không hợp pháp. Như vậy, những quan hệ hôn nhân được xác lập trước khi Luật Hôn nhân và gia định năm 1959 có hiệu lực, dù có nhiều vợ, nhiều chồng thì vẫn không vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng và được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh nên chỉ có hiệu lực đối với miền Bắc. Ngoài ra, do tồn tại lịch sử, các quan hệ hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng trước ngày 13/01/1959 vẫn được công nhận là hợp pháp.

Đối với miền Nam, theo Nghị quyết 76/CP năm 1977 thì Luật hôn nhân gia đình năm 1959 được áp dụng từ ngày 25/3/1977. Tương tự miền Bắc, những quan hệ hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng được xác lập trước ngày 25/3/1977 vẫn được công nhận hợp pháp.

4.2. Trường hợp bộ đội, cán bộ có vợ, có chồng ở miền Nam tập kết ra miền Bắc, lấy vợ, chồng khác

Trong giai đoạn này, mặc dù Luật khẳng định chế độ một vợ một chồng nhưng do hoàn cảnh lịch sử, vẫn thừa nhận những trường hợp cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc năm 1954, đã có vợ, có chồng ở miền Nam mà lấy vợ, lấy chồng ở miền Bắc.

Theo Thông tư số 60/TATC ngày 22/2/1978 của Tòa án nhân dân tối cao thì nay nếu người vợ hoặc người chồng ở miền Nam vẫn không có quan hệ hôn nhân mới và muốn duy trì quan hệ hôn nhân trước đây thì công nhận cả hôn nhân mới và hôn nhân trước đây.

—————————————————

Nếu quý khách có yêu cầu cần hỗ trợ vui lòng liên hệ:

Văn phòng Luật sư Nguyên

  • Trụ sở: Tổ 1, Nguyễn Huệ, Kp 3, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
  • Chi nhánh: Số 41 Cách Mạng Tháng Tám, phường Xuân An, Tp. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
  • Điện thoại: 0937.67.69.69 – 0936392979
  • Email: luatsutrangiap@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *